Trong thời đại mà AI có thể tạo ra tranh, nhạc, thơ, và cả video chỉ với vài dòng lệnh, câu hỏi “Liệu AI có thể thay thế nghệ sĩ?” không còn là giả tưởng viễn tưởng nữa. Những hình ảnh tuyệt đẹp được tạo ra từ DALL·E, Midjourney hay Stable Diffusion đang tràn ngập trên mạng xã hội, thậm chí có tác phẩm còn thắng giải trong các cuộc thi nghệ thuật. Nhưng đằng sau vẻ đẹp kỹ thuật đó là một cuộc tranh luận sâu sắc: Liệu đó có thật sự là nghệ thuật? Và nếu có, thì ai là nghệ sĩ?

Nghệ thuật AI: Sự bùng nổ của công cụ bắt chước
AI không còn là điều gì mới mẻ trong nghệ thuật. Theo GS. Jon McCormack – nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tại Monash University – con người đã thử nghiệm các hình thức sáng tạo với AI từ hơn 60 năm trước. Tuy nhiên, phải đến gần đây với sự ra đời của DALL·E 2, Midjourney hay Imagen, AI mới thực sự trở thành hiện tượng phổ biến trong giới sáng tạo.
Những hệ thống này sử dụng kỹ thuật học sâu để tạo hình ảnh dựa trên văn bản mô tả (prompt). Kết quả là những bức tranh mang phong cách cổ điển, siêu thực, hoặc thậm chí mô phỏng được phong cách của một danh họa như Van Gogh hay Picasso. Nhưng điều khiến nhiều người hoài nghi là: các hệ thống này không thực sự “sáng tạo”, mà chỉ là sản phẩm của việc “học” từ hàng tỷ bức ảnh, tranh, dữ liệu văn hóa có sẵn – vốn dĩ đều do con người tạo ra.
Bắt chước không phải là sáng tạo
Vấn đề nằm ở chỗ: dù AI có thể tạo ra hình ảnh ấn tượng, nhưng nó chỉ đang “mô phỏng thống kê” – tức là bắt chước các mẫu hình có trong dữ liệu huấn luyện. McCormack gọi đó là statistical mimicry – sự bắt chước ký sinh vào văn hóa con người. AI không hiểu ý nghĩa, không có cảm xúc, và quan trọng nhất: không có chủ đích sáng tạo.
Việc AI sản xuất ra tác phẩm không đồng nghĩa với việc nó là nghệ sĩ. Nó không có mục tiêu, không có lý do nội tại để tạo ra bất cứ thứ gì. Nó chỉ phản ứng với đầu vào từ người dùng và thực hiện quy trình sinh dữ liệu. Tác phẩm do AI tạo ra – nếu không có bàn tay định hướng, chọn lọc và phản hồi của con người – đơn giản chỉ là một sản phẩm phụ của thuật toán. Lưu ý rằng, có thể sẽ có những thời điểm mà AI phản hồi cho người dùng rằng nó “muốn” tạo ra sản phẩm đó, nhưng đấy chỉ là thuật toán được dẫn dắt và lập trình sẵn, chứ chưa phải là ý thức.
Về lâu dài, nếu AI chỉ học từ những tác phẩm (đôi khi chính là các sản phẩm do AI khác tạo ra), chu trình này sẽ dẫn đến hiện tượng tự sao chép kém dần theo thời gian. Nghĩa là AI sẽ tạo ra các bản sao của bản sao – ngày càng nghèo nàn, rập khuôn, thiếu sức sống và sáng tạo.
Vậy nghệ thuật là gì?
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này lại là mấu chốt của cuộc tranh luận. Theo Merriam-Webster, nghệ thuật là “việc sử dụng có ý thức kỹ năng và trí tưởng tượng sáng tạo để tạo ra các đối tượng thẩm mỹ”. McCormack bổ sung rằng nghệ thuật cần có ba yếu tố: ý định, tính tự chủ, và tính chân thực.
Lịch sử nghệ thuật đã chứng kiến nhiều lần định nghĩa này thay đổi. Chẳng hạn, nhiếp ảnh từng không được coi là nghệ thuật trong hàng chục năm. Hay tác phẩm “Fountain” của Duchamp (một bồn tiểu) từng bị từ chối bởi hội đồng nghệ thuật, nhưng nay lại là một biểu tượng nghệ thuật hiện đại. Nghệ thuật không nằm ở hình thức bề ngoài, mà ở thông điệp, sự chủ động và mục đích sáng tạo. Đây chính là thứ mà AI hoàn toàn thiếu vắng.
Một phản biện thú vị là: nếu voi có thể vẽ tranh, chim có thể xây tổ nghệ thuật, hay khỉ có thể cầm cọ và tạo ra những hình ảnh đầy màu sắc – thì liệu chúng ta có thể coi đó là nghệ thuật? Câu trả lời thường là không – bởi vì hành vi đó không có mục đích thẩm mỹ hoặc giao tiếp biểu tượng. Nó xuất phát từ bản năng, trò chơi, hoặc hành vi được huấn luyện, chứ không phải từ một chủ đích sáng tạo rõ ràng.
Từ góc nhìn này, AI art – nếu không có sự tham gia chủ động của con người – có thể được xếp chung với các “tác phẩm” của động vật. Chúng có thể đẹp, ấn tượng, thậm chí gợi cảm xúc cho người xem, nhưng không thể gọi là nghệ thuật theo đúng nghĩa khái niệm. Có thể nhiều năm sau, định nghĩa này sẽ thay đổi chăng?
Điều khác biệt duy nhất – và quan trọng nhất – giữa AI và nghệ sĩ con người chính là ý tưởng và mục tiêu sáng tạo. Nghệ sĩ không đơn thuần tạo ra cái “đẹp”, mà họ truyền tải một quan điểm, một cảm xúc, một câu chuyện, một lời phản biện, một trải nghiệm mang tính cá nhân hoặc xã hội. McCormack khẳng định: con người chính là người tạo nên toàn bộ hệ sinh thái cho AI hoạt động – từ dữ liệu huấn luyện, phần mềm, máy móc, đến cả việc chọn ra hình ảnh cuối cùng và gọi đó là “nghệ thuật”. Nếu có nghệ thuật AI, thì đó là nghệ thuật của người điều khiển AI – không hơn, không kém.
Kết luận: AI không thay thế nghệ sĩ, mà là công cụ mới cho nghệ sĩ
AI có thể giúp con người tạo ra hình ảnh, gợi cảm hứng, thử nghiệm phong cách. Nhưng cũng giống như máy ảnh, bút vẽ hay phần mềm đồ họa – AI chỉ là một công cụ. Nó không phải là chủ thể sáng tạo để các sản phẩm do AI tạo ra được coi là những tác phẩm nghệ thuật.
Nếu chúng ta quá nhanh chóng gọi mọi thứ AI tạo ra là “nghệ thuật”, chúng ta đang làm xói mòn chính khái niệm đã tồn tại hàng thế kỷ. Nghệ thuật không nằm ở độ sắc nét của hình ảnh hay số lượng tác phẩm, mà nằm ở cách con người định hình thế giới thông qua lăng kính ý tưởng và trải nghiệm cá nhân. Và chừng nào AI còn chưa có một “ý định” cho chính mình, nó sẽ vẫn chỉ là một chiếc gương phản chiếu lại thế giới mà con người đã xây dựng.
(tổng hợp từ ifklovescience.com)